Tín ngưỡng trong đời sống cộng đồng người Hoa ở Nam bộ phong phú, thể hiện qua nhiều cung, miếu, điện, đàn, đường, từ đường, đền thờ họ… Đa số cơ sở được hình thành do từng nhóm Hoa thuộc một hoặc nhiều ngôn ngữ lập nên, như miếu của nhóm
Hoa Quảng Đông, Miếu Nhị Phủ (thuộc hai phủ của người Hoa tỉnh Phúc Kiến là phủ Chương Châu và Tuyền Châu), Thất Phủ miếu (của cộng đồng Hoa thuộc 7 phủ lập nên).
– Kiến trúc của các cơ sở thờ tự này cho thấy có sự chuyển biến từ rập khuôn theo mẫu Trung đến dần có yếu tố Việt hội tụ. Buổi đầu, hầu hết vật liệu xây cất miếu đều được đưa từ Trung Hoa sang. Thời gian sau, khi người Hoa đã ổn định được cuộc sống nơi vùng đất mới, họ đã sử dụng nguyên vật liệu được sản xuất tại địa phương để trùng tu. Nhiều lò gốm tại Chợ Lớn đã được hình thành để đáp ứng nhu cầu này, như lò Bửu Nguyên, Đồng Hoà. Chứng tích các lò gốm còn được khắc nung và hiện còn lưu lại trên các mái miếu Thiên Hậu-Tuệ Thành hội quán, Tam Sơn hội quán (Quận 5); Quảng Triệu hội quán (Quận 1)… Những cột tròn chống đỡ mái có kê đá phía dưới của Nghĩa An hội quán, Phước An hội quán, Minh Hương Gia Thạnh (Quận 5)… cho thấy đã có yếu tố Việt thể hiện qua kiến trúc, gần gũi với kiến trúc của đình làng Việt Nam, khác hẳn với các cột sơn son thếp vàng sặc sỡ theo văn hóa truyền thống Trung Hoa. Mặt khác, sân thiên tỉnh của hầu hết các cơ sở tín ngưỡng rập khuôn theo truyền thống Trung Hoa đều được đặt trước chính điện, như trường hợp của Miếu Thiên Hậu – hội quán Tuệ Thành; trong khi sân thiên tỉnh được thiết kế phía sau chính điện là đặc trưng trong văn hoá Việt, như trường hợp các ngôi chùa cổ của người Việt như chùa Phụng Sơn (Quận 11), chùa Giác Lâm (quận Tân Bình). Quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa đã đưa đến việc xây dựng sân thiên tỉnh phía sau chính điện giống người Việt, như trường hợp đình Minh Hương Gia Thạnh, Nhị Phủ miếu (Quận 5) của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh
– Các yếu tố văn hóa của người Việt cũng thấy phổ biến trong trang trí tại các cơ sở tín ngưỡng Hoa. Người Hoa đã trang trí vào nơi thờ tự của mình những hoa văn như trái cây, con vật, những bài thơ lục bát vốn là sản phẩm đặc trưng trong văn hoá Việt. Hình tượng con cóc, con vật đã in đậm trong tư duy người Việt, cũng đã được chạm khắc vào đầu đao, vào bao lam của các miếu thờ thần linh của người Hoa như miếu Quan Thánh – hội quán Quảng Triệu ở thành phố Cần Thơ, Nghĩa An hội quán ở Quận 5 Tp.HCM …Các loại cây trái ở Nam bộ như mãng cầu, thơm, dây bầu, dây bí… cũng được người Hoa tiếp thu dùng để trang trí trên nóc của Thiên Hậu miếu – Tuệ Thành hội quán, hay trên các bao lam bàn thờ ở Phú Nghĩa hội quán (Quận 5). Bài thơ từ biệt mẹ đi sứ nhà Thanh của Trịnh Hoài Đức đã được khắc trên bình phong chắn gió tại đình Minh Hương Gia Thạnh, bằng hai thứ chữ Việt – Hoa. Những câu thơ lục bát của nhà văn Nguyễn Đình Chiểu viết về Lục Vân Tiên đã được khắc ghi lại trong ngôi miếu của người Hoa Hải Nam, tức Quỳnh Phủ hội quán (Quận 5, Tp.HCM). Hình ảnh các anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, như Lê Lợi…cũng được đưa vào làm nền trang trí cho các ngôi miếu Hoa như tại Nghĩa Nhuận hội quán (Quận 5) đã cho thấy có sự đan xen, giao lưu và hội nhập văn hoá Hoa – Việt trong các cơ sở thờ tự của người Hoa, đặc biệt là tại các cơ sở do người Minh Hương xây dựng.
Nhà thờ Đức Bà Hòa Bình (Quận 1) thể hiện giao lưu văn hoá Hoa – Việt rõ nét qua câu chữ Hán khắc trên mặt cửa “ Cư nhân do nghĩa” (Ở hiền do nghĩa khí); “ Đức vì lân” (Lấy đức mà đối xử với mọi người). Kiến trúc của các hội thánh Tin Lành vẫn theo kiến trúc nhà thờ của cộng đồng người Việt, chỉ khác ở tên nhà thờ, thông báo và lời kinh ghi bằng chữ Hán.
————————————————
HỆ THỐNG CÔNG VIÊN VĨNH HẰNG
Hiếu Đạo Gia Tộc, Lộc Khởi Muôn Đời!
Hotline: 03.3333.8888 – 09.7171.7679
Địa chỉ: Xã Long Đức, Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai – QL 1A , Phường Thuỷ Bằng, TP Huế
Trụ sở: 10 Nguyễn Huệ, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM – 72 Nguyễn Huệ, P.Vĩnh Ninh, TP. Huế
Website: https://hethongcongvienvinhhang.com/